Cấu tạo của chủ ngữ là gì? Các thành phần cơ bản của câu
Chủ ngữ, vị ngữ là một trong những thành phần cơ bản và quan trọng nhất trong câu cả trong văn bản cũng như lời nói hàng ngày. Đây cũng là một phần quan trọng trong chương trình học tiếng Việt hiện nay. Tuy nhiên, còn không ít bạn học sinh còn gặp khó khăn để xác định chủ ngữ, vị ngữ hoặc các thành phần khác trong câu. Theo dõi bài viết dưới đây để nắm được cấu tạo cũng như cách xác định chủ ngữ là gì vị ngữ là gì nhé!
Contents
Định nghĩa thế nào là chủ ngữ của câu?
Khái niệm chủ ngữ thường được sử dụng để nói về một trong hai thành phần chính quan trọng của câu. Đây cũng là thành phần bắt buộc phải có để câu có được cấu trúc hoàn chỉnh và diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Còn các thành phần không bắt buộc phải có được gọi là thành phần phụ.
Chủ ngữ biểu thị đối tượng, chủ thể của các hành động hoặc các tính chất, trạng thái hoàn toàn độc lập với các thành phần khác của câu. Chủ ngữ thường được xác định bởi 1 vị ngữ (hoặc cụm C – V khác).
Cấu tạo của chủ ngữ là gì?
Chủ ngữ của câu thường mang ý nghĩa chỉ người hoặc các sự vật, hiện tượng nào đó. Có thể nói, chủ ngữ là bộ phận chính của các câu kể sự vật, hiện tượng có hoạt động, tính chất và trạng thái được miêu tả hoặc nhắc đến trong vị ngữ.
Về cấu tạo của chủ ngữ, xét theo phương diện tổ chức cấu trúc thì chủ ngữ cấu tạo đa dạng. Chủ ngữ có thể là một từ hoặc một (nhiều cụm từ), đôi khi bạn sẽ bắt gặp chủ ngữ là những cụm C – V (tiểu cú).
Vậy thành phần cấu tạo của bộ phận chủ ngữ là gì? – Chủ ngữ có thể là một trong những từ loại trong tiếng Việt. Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ, cụm danh từ, tính từ, cụm tính từ, cụm động từ…
Trong một số trường hợp, bạn có thể thấy động từ, tính từ (thuật ngữ) làm chủ ngữ. Lúc này, các tính từ, động từ làm chủ ngữ được coi như là một danh từ. Ngoài ra, một câu có thể có một hoặc nhiều chủ ngữ (trường hợp câu đơn và câu ghép).
Các ví dụ về chủ ngữ
Để có thể dễ hiểu và dễ hình dung hơn về chủ ngữ là gì lớp 4 thì chúng ta sẽ cùng nhau đi phân tích các ví dụ dưới đây:
- Hoàng Anh là học sinh ngoan và gương mẫu của lớp 1A.
→ Trong câu này, “Hoàng Anh” chính là chủ ngữ, “Hoàng Anh” là danh từ chỉ người.
- Những chú chim sâu đang ríu rít trên những cành cây gọi nhau, đôi mắt liếc nhanh mọi tán lá.
→ Chủ ngữ của câu là “Những chú chim sâu” – cụm danh từ
- Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất đầy nắng và gió Nghệ An.
→ Chủ ngữ của câu là “Tôi” – đại từ nhân xưng.
Sau chủ ngữ là gì? – Tìm hiểu về vị ngữ
Như đã nói ở trên, một câu hoàn chỉnh sẽ bao gồm hai thành phần chính, đó là chủ ngữ và vị ngữ. Để câu hoàn chỉnh về ý nghĩa và có thể diễn đạt được ý nghĩa trọn vẹn thì cần có 2 thành phần này.
Vị ngữ có thể kết hợp với các trạng từ chỉ quan hệ thời gian và thường là động từ, cụm động từ, cũng có thể là tính từ, cụm tính từ, danh từ, cụm danh từ… Cũng giống như chủ ngữ thì một câu có thể có 1 hoặc nhiều vị ngữ.
Theo dõi những ví dụ dưới đây để hiểu rõ vị ngữ là gì:
- Hoàng Anh là học sinh ngoan và gương mẫu của lớp 1A.
→ Trong ví dụ trên, “là học sinh ngoan và gương mẫu của lớp 1A” chính là vị ngữ.
- Những chú chim sâu đang ríu rít trên những cành cây gọi nhau, đôi mắt liếc nhanh mọi tán lá.
→ Vị ngữ của câu là “đang ríu rít trên những cành cây gọi nhau, đôi mắt liếc nhanh mọi tán lá”.
- Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất đầy nắng và gió Nghệ An.
→ Vị ngữ của câu là “sinh ra và lớn lên tại mảnh đất đầy nắng và gió Nghệ An”.
Các thành phần phụ của câu
Định ngữ
Định ngữ cũng là thành phần phụ (một ngữ hoặc một cụm C – V) bổ ngữ cho danh từ, cụm danh từ. Định ngữ gồm có định ngữ chỉ định lượng (số từ, đại từ chỉ định, phụ từ) với các vị trí khác nhau:
Loại định ngữ | Đặc điểm |
Định ngữ chỉ loại | Thường do danh từ vật thể tạo thành, kết hợp chặt chẽ với danh từ trung tâm, biểu thị sự vật được nhắc đến trong câu. |
Định ngữ miêu tả | Thường đứng sau danh từ trung tâm (hoặc sau danh từ trung tâm và định ngữ chỉ loại). Định ngữ miêu tả chỉ các đặc điểm riêng được nhắc đến ở cụm danh từ. Thường do từ, cụm từ chính phụ, cụm C – V hoặc các cấu trúc ngữ pháp tương đương khác tạo thành. |
Định ngữ chỉ xuất | Thường đứng cuối cụm danh từ, do các đại từ chỉ định, danh từ riêng tạo thành… |
Trạng ngữ
Đây là thành phần phụ giúp bổ sung ý nghĩa cho các thành phần chính về thời gian, nơi chốn, nguyên nhân,… Các loại trạng ngữ thường trả lời cho các câu hỏi như:
- Trạng ngữ thời gian trả lời cho câu hỏi: Khi nào, Bao giờ…
- Trạng ngữ nơi chốn trả lời cho câu hỏi: Ở đâu, Chỗ nào…
- Trạng ngữ nguyên nhân trả lời cho câu hỏi: Vì sao, Tại sao, Như thế nào…
Bổ ngữ
Bổ ngữ là thành phần phụ thường đứng trước hoặc sau của động từ, tính từ và tạo thành cụm động từ hoặc cụm tính từ. Ví dụ: “Máy hút bụi công nghiệp rất hữu ích” thì “rất” là bổ ngữ cho tính từ “hữu ích” và “rất hữu ích” là một cụm tính từ.
Những cách xác định chủ ngữ là gì?
Trong các bài tập thì việc xác định được chủ ngữ và vị ngữ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, xác định đúng chủ ngữ, vị ngữ còn giúp ta diễn đạt câu văn, lời nói chỉnh chu, đủ ý và lịch sự nhất.
Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc này, hãy thử áp dụng một số cách nhận biết chủ ngữ và vị ngữ đơn giản được thietbimaycongnghiep.net tổng hợp, tránh mất thời gian khi làm bài tập:
- Chủ ngữ đứng trước vị ngữ và thường chỉ những chủ thể được vị ngữ nói đến (chủ thể của hành động, cảm xúc, trạng thái…). Do đó, chủ ngữ thường trả lời cho những câu hỏi như: Ai, Cái gì, Con gì, Hiện tượng gì,…
Ví dụ: “Máy rửa xe cao áp có sức mạnh phun rửa lớn, vệ sinh nhanh chóng mọi vết bẩn” → “Máy rửa xe cao áp” là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi “Cái gì?” (Cái gì có sức mạnh phun rửa lớn, vệ sinh nhanh chóng mọi vết bẩn).
- Vị ngữ đứng sau chủ ngữ và thường chỉ đặc điểm, tính chất… của chủ thể trong chủ ngữ. Vị ngữ thường trả lời cho các câu hỏi như: Làm gì, Là gì, Như thế nào…
Ví dụ: “Đội ngũ nhân công đang hút bụi, chà sàn và dọn sạch rác thải” → “đang hút bụi, chà sàn và dọn sạch rác thải” là vị ngữ trả lời cho câu hỏi “làm gì?” (Đội ngũ nhân công làm gì?).
Cách xác định trạng ngữ và khởi ngữ trong câu
Ngoài 2 thành phần chính của câu trên, trong câu chúng ta còn có thể bắt gặp sự xuất hiện của một số thành phần phụ khác, nổi bật nhất là trạng ngữ, khởi ngữ. Để xác định được 2 thành phần phụ này, bạn dựa vào:
- Trạng ngữ có mặt để nói rõ hơn về thời gian, không gian, hình thức, phương tiện, mục đích…
Để nhận biết được đâu là trạng ngữ, bạn thử đặt các câu hỏi như: Ở đâu, Khi nào, bằng cái gì, Để làm gì… Thông thường, trạng ngữ thường ở đầu câu hoặc được phân cách với các thành phần chính bởi dấu phẩy (trường hợp đặt ở đầu câu) hoặc có thêm các từ nối (trường hợp đặt ở giữa câu).
Ví dụ: “Ngày mai, tôi có cuộc hẹn phỏng vấn quan trọng” → “Ngày mai” là trạng ngữ chỉ thời gian, trả lời cho câu hỏi “Khi nào”.
- Khởi ngữ là thành phần nêu lên đề tài được nhắc đến trong câu, khởi ngữ thường đứng trước chủ ngữ và thường kết hợp với các quan hệ từ như về, đối, với…
Ví dụ: “Với quyết định này, mọi người đều bất ngờ” → “Với quyết định này” là khởi ngữ, “mọi người” là chủ ngữ, “đều bất ngờ” là vị ngữ.
Câu mở rộng thành phần chủ ngữ là gì? Tỉnh lược chủ ngữ là gì?
Bên cạnh những câu có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ, chúng ta còn bắt gặp những câu được mở rộng thành phần chủ ngữ (hoặc vị ngữ), những câu khuyết chủ ngữ, vị ngữ.
Câu mở rộng thành phần chủ ngữ
Đây là những câu mà người ta thêm vào các thành phần phụ để cụ thể hóa hoặc chi tiết hóa nội dung diễn đạt của câu. Thông thường, người ta thường dùng cách sử dụng cụm C – V để mở rộng câu.
Cụm C – V là những cụm từ có kết cấu tương đương với một câu đơn vì cũng có chủ ngữ và vị ngữ. Tuy nhiên, cụm C – V lại không đứng độc lập mà chỉ là một thành phần của câu hoặc là một cụm từ trong câu.
Một số trường hợp dùng cụm C – V để mở rộng câu có thể kể đến như:
- Cụm C – V là các cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ cấu thành nên chủ ngữ hoặc vị ngữ.
- Câu mở rộng thành phần chủ ngữ sẽ có phần chủ ngữ là một cụm danh từ, cụm tính từ có phụ ngữ hình thức tương tự như một câu đơn (cụm C – V).
Ví dụ:
- Cái áo mẹ tặng tôi là mẹ tự tay đan.
→ “Cái áo mẹ tặng tôi” là CHỦ NGỮ, “là mẹ từ tay đan” là VỊ NGỮ. Phân tích chi tiết, “Cái áo mẹ tặng tôi” là một cụm danh từ có “mẹ tặng tôi” là phụ ngữ bổ sung ý nghĩa cho danh từ “Cái áo”. Do vậy, chúng ta có thể thấy rằng “mẹ tặng tôi “ là cụm C – V mở rộng thành phần chủ ngữ
Câu khuyết chủ ngữ là gì?
Câu khuyết chủ ngữ (tỉnh lược chủ ngữ) là những câu bị thiếu thành phần chủ ngữ (thường gặp nhất là câu rút gọn hoặc câu đặc biệt). Mặc dù khuyết chủ ngữ nhưng người nghe, người đọc vẫn có thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của câu.
Ví dụ về câu tỉnh lược chủ ngữ: Trà nói với Thúy: “Ngày mai đi công viên chơi nhé!” → Câu khuyết chủ ngữ, câu đầy đủ sẽ là: “Ngày mai tớ và cậu đi công viên chơi nhé!”, dù bỏ chủ ngữ nhưng người nghe vẫn hiểu được ý nghĩa mà người nói muốn truyền đạt.
Lời kết
Có thể thấy rằng sự có mặt của chủ ngữ và vị ngữ trong câu tương đối linh hoạt, thậm chí có thể rút gọn trong nhiều trường hợp. Hy vọng với những thông tin vừa rồi, các bạn học sinh đã hiểu và nắm được cấu trúc cũng như cách xác định chủ ngữ là gì. Hẹn gặp các bạn trong những chia sẻ khác của thietbimaycongnghiep.net nhé!