Điệp ngữ là gì? Hướng dẫn soạn văn bài Điệp ngữ văn 7
Trong các chương trình ngữ văn trung học hoặc trung học phổ thông, các bạn học sinh sẽ được làm quen với rất nhiều phép tu từ nghệ thuật. Một trong những phép tu từ thường gặp nhất là: điệp ngữ lớp 7. Vậy điệp ngữ là gì có mấy loại điệp ngữ sẽ được chúng tôi tổng hợp và giới thiệu trong bài viết này, mời các bạn học sinh theo dõi.
Contents
Các kiến thức cơ bản về điệp ngữ văn 7
Khái niệm phép điệp ngữ là gì lớp 7
Theo khái niệm được định nghĩa trong sách Ngữ văn 7 thì phép điệp ngữ là một biện pháp tu từ (điệp từ). Nó là sự lặp đi lặp lại nhiều lần một từ, cụm từ hoặc một cấu trúc câu trong đoạn văn, đoạn thơ, câu nói… Việc tác giả sử dụng sự lặp đi lặp lại này nhằm một số mục đích nhất định nào đó (gây sự chú ý, nhấn mạnh hoặc liệt kê,…).

Biện pháp tu từ này có thể lặp lại một cụm từ, một câu thậm chí có thể lặp lại một đoạn thơ, đoạn văn bất kỳ. Các điệp ngữ ví dụ trong sách giáo khoa văn là rất rõ ràng và bạn có thể tham khảo.
Một số ví dụ khác như câu nói của bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”, đoạn đầu trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”.
Phép điệp ngữ có mấy dạng, là những dạng nào?
Để có thể dễ dàng hơn trong việc phát hiện và giải bài điệp ngữ, các bạn học sinh cần nắm được các loại cơ bản nhất của biện pháp tu từ này. Có mấy loại điệp ngữ thì trong chương trình Ngữ văn 7 nhắc đến 3 loại cơ bản đó là:
Điệp ngữ cách quãng là gì?
Điệp ngữ cách quãng là hình thức chúng ta lặp lại 1 từ, cụm từ trong câu văn, đoạn văn mà không có sự liên tiếp (có thể cách nhau bởi các cụm từ khác).

Ví dụ:
- Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh
“Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.”
- Viếng lăng Bác – Viễn phương
“Muốn làm con chim, hót quanh lăng bá
Muốn làm đóa hoa, tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre, trung hiếu chốn này.”
Biện pháp tu từ điệp ngữ nối tiếp
Đây là cách tác giả sử dụng các cụm từ được đặt cạnh nhau tạo nên sự liền mạch đồng thời làm tăng được mức độ tăng tiến của cảm xúc trong câu văn, câu thơ đó.
Ví dụ thường gặp nhất cho kiểu điệp ngữ này đó là đoạn thơ trong bài “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm…”
Trong đó, từ “rất lâu” được lặp lại 2 lần cạnh nhau nhấn mạnh nỗi nhớ và hành trình tìm kiếm bóng hình “em” dài đằng đẵng của tác giả.
Biện pháp điệp ngữ chuyển tiếp là gì?
Điệp từ chuyển tiếp (hay còn gọi là điệp từ vòng) là hình thức sử dụng các cụm từ hoặc một từ ở kết thúc câu trước (câu thơ trên) để lặp lại cho đầu câu thơ, câu văn tiếp theo nó.

Hình thức này thường được sử dụng trong các câu thơ thể lục bát, thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), thất ngôn lục bát (4 câu thơ 6 – 8)… Nó mang đến sự liền mạch cho các câu khi chuyển tiếp nên sẽ nối liền cảm xúc dào dạt cho người nghe, người đọc.
Ví dụ tiêu biểu cho điệp từ này đó chính là một đoạn thơ trong “Chinh phụ ngâm khúc” – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm:
“Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Với đoạn trích vừa rồi, chúng ta có thể dễ dàng thấy được từ “thấy” và “ngàn dâu” đã được tác giả sử dụng ở cuối câu thơ trên và lặp lại ở đầu câu thơ dưới. Điều này đã tạo được sự liền mạch cho cảm xúc. Không chỉ vậy, nó còn góp phần khắc họa lên vẻ trùng điệp, xa xôi đến vô cùng của ngàn dâu. Đây cũng là ẩn dụ cho nỗi nhớ chồng đến dài rộng, vô tận của người chinh phụ.
Sử dụng phép điệp ngữ có tác dụng gì trong đoạn văn, đoạn thơ?

Các biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt trong ngữ cảnh nhất định để tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt. Và điệp từ cũng không ngoại lệ, nó được dùng để tạo ấn tượng với người đọc, tạo nên các giá trị đặc biệt trong biểu đạt và biểu cảm. Những tác dụng chính của phép điệp từ có thể kể đến như:
Tạo sự nhấn mạnh cho đoạn văn, đoạn thơ
Người ta sử dụng phép điệp ngữ để nhấn mạnh vào các sự vật, hiện tượng hoặc những tình cảm, cảm xúc và tâm tư của nhân vật hoặc của chính tác giả.
Ví dụ:
- Trong bài thơ “bếp lửa” – Bằng Việt:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Trong các câu thơ này, cụm từ “một bếp lửa” được lặp lại ở đầu của 2 câu thơ để nhấn mạnh lên hình ảnh bếp lửa thân thuộc trong ký ức của người cháu. Kết hợp với đó là câu thơ sau đã làm nổi bật lên nỗi nhớ đau đáu và tình thương yêu của tác giả dành cho bếp lửa của tuổi thơ và người bà.

- Xét bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu, rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình, thủy chung”
Đoạn thơ trên, Tố Hữu đã lặp lại từ “nhớ” 3 lần ở đầu các câu thơ. Điều này giúp nhấn mạnh nỗi nhớ nhung của tác giả với những con người VIệt Bắc và những kỷ niệm gắn bó một thời.
Điệp từ giúp tạo sự liệt kê
Các điệp từ còn được sử dụng khi người nói, người việt liệt kê các sự vật, hiện tượng… Nó giúp thể hiện đầy đủ và sáng tỏ ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng được nhắc đến.
Ví dụ: Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ có đoạn:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Trong đoạn thơ này, liên tiếp những từ “đâu” và “ta” được lặp lại nhiều lần ở đầu các câu thơ. Việc sử dụng điệp từ này giúp chúa sơn lâm có thể nhắc lại những kỷ niệm, chiến tích oai hùng của mình trong quá khứ đã qua. Tác giả đã nhấn mạnh về một thời quá khứ oanh liệt, thời vàng son của chúa sơn lâm nay đang bị giam cầm sau cũi sắt.
Điệp ngữ tạo sự khẳng định
Thông thường, tác giả sử dụng các điệp từ để nhấn mạnh và khẳng định một sự thật, một cảm xúc nào đó. Ví dụ cụ thể nhất đó là trong “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
Điệp từ “một dân tộc” được sử dụng để nhấn mạnh lịch sử và sự gan góc, kiên cường của toàn quân, toàn dân Việt Nam trước thế lực quân địch. Điệp từ “dân tộc đó phải” để khẳng định một điều chắc chắn, tất yếu đó là dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, anh dũng phải được độc lập và hưởng tự do.

Một số lưu ý khi sử dụng điệp từ
Với nhiều tác dụng và tương đối dễ áp dụng nên điệp ngữ là một biện pháp tu từ thường được dùng phổ biến trong văn thơ. Nó giúp các tác giả khắc họa được những hình ảnh, cảm xúc muốn gửi gắm vào trong tác phẩm, nhân vật của mình.
Tuy nhiên, khi muốn dùng biện pháp tu từ này vào trong các tác phẩm của mình, bạn cần tránh lạm dụng nó quá mức. Điều này tránh cho đoạn văn trở nên rườm rà, không rõ nghĩa khiến người đọc bị nhàm chán. Cần phân biệt đâu là điệp từ và đâu là lặp từ trong làm văn.
Ví dụ, đoạn văn dưới đây:
“Nhà bà ngoại em nằm ở vùng ngoại ô. Ngôi nhà có mái ngói phủ rêu. Ngôi nhà có hàng râm bụt đỏ tươi trước cổng. Ngôi nhà vườn rau xanh tốt với tiếng chim líu lo cả ngày…”.
Trong ví dụ này, từ “ngôi nhà” được lặp đi lặp lại ở 3 câu liên tiếp giống như điệp từ. Nhưng thực tế, nó lại là phép lặp vụng về thiếu tinh ý khiến cho đoạn văn bị dài dòng, vừa không tạo ấn tượng cũng không mang lại giá trị cảm xúc cho người đọc.

Hướng dẫn soạn văn 7 điệp ngữ siêu ngắn
Để giúp các bạn học sinh lớp 7 dễ dàng hơn trong quá trình soạn văn và dễ dàng giải đáp được câu hỏi có mấy loại điệp ngữ, chúng ta sẽ cùng tham khảo một số gợi ý chuẩn bị bài soạn dưới đây:
Giải bài tập điệp ngữ lớp 7 trang 152
Trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, chúng ta có những câu hỏi về điệp từ như:
- Tại khổ đầu và khổ cuối của bài thơ “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh) có những từ ngữ nào được lặp lại?
Trả lời:
- Tại khổ thơ đầu tiên, có từ “nghe” được lặp lại 3 lần ở đầu 3 câu thơ.
- Tại khổ thơ cuối, từ “vì” được lặp lại 4 lần trong 4 câu thơ liền nhau.
- Tác giải lặp đi lặp lại những từ ngữ ấy với tác dụng gì?
Trả lời:
- Lặp từ “nghe”: Tác giả dùng những điệp từ này để có thể nhấn mạnh những tình cảm, tâm tư của người lính trên đường hành quân bỗng dưng nghe thấy tiếng gà nhảy ổ quen thuộc. Tiếng gà đã gợi về những kỷ niệm thời thơ ấu ngô nghê bên người bà của mình.
- Lặp từ “vì”: Sử dụng điệp từ này để nhấn mạnh nguyên nhân và động lực cho nhân vật người cháu – người lính cầm súng chiến đấu.

- So sánh điệp từ trong khổ thơ đầu của bài “Tiếng gà trưa” – Xuân Quỳnh và đoạn thơ trong “Gửi em, cô thanh niên xung phong” – Phạm Tiến Duật (từ “Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu … – … Thương em, thương em, thương em biết mấy”) và đoạn thơ “Chinh phụ ngâm” (từ “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy… – … Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”).
Trả lời:
Điệp từ có các dạng: cách quãng, nối tiếp hoặc chuyển tiếp (điệp vòng):
- Trong khổ thơ đầu bài “Tiếng gà trưa”, tác giả sử dụng điệp ngữ cách quãng (từ “nghe”).
- Trong đoạn thơ của phạm Tiến Duật sử dụng điệp từ nối tiếp (từ “rất lâu” và “thương em”)
- Trong đoạn thơ của Đoàn Thị Điểm, tác giả sử dụng điệp chuyển tiếp (từ “ngàn dâu” và “thấy”).
Hướng dẫn làm phần Luyện tập trang 153, sách giáo khoa Ngữ văn 7
Bài tập 1: Các điệp từ được dùng trong các đoạn văn:
a, Điệp từ “một dân tộc đã” và “dân tộc đó phải được” với mục đích nhấn mạnh quyền được từ do và độc lập của đất nước và con người Việt Nam.
b, Điệp từ cách quãng “đi cấy” để nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc đi cấy của mình và việc đi cấy của những người nông dân khác. Điệp từ nối tiếp “trông” nhấn mạnh những nỗi lo lắng, sự vất vả của người nông dân để có được vụ mùa bội thu.

Bài tập 2: Điệp ngữ sử dụng trong đoạn văn:
- Điệp từ cách quãng: “xa nhau”
- Điệp từ được sử dụng là dạng chuyển tiếp: “một giấc mơ”
Bài tập 3:
a, Việc lặp đi lặp lại các từ ngữ trong đoạn văn không hề có tác dụng biểu cảm, ngược lại còn khiến cho câu văn trở nên rườm rà, khiến người đọc thấy mệt mỏi, nhàm chán.
b, Có thể sửa lại đoạn văn thành: “Phía sau nhà em có một mảnh vườn nhỏ. Trên mảnh vườn nhỏ đó, em đã trồng thêm rất nhiều hoa, nào hoa cúc, hoa thược dược, hoa đồng tiền, hoa hồng và cả lay ơn nữa. Ngày Quốc tế phụ nữ, em đã hái những bông hoa trong vườn nhà để tặng mẹ và chị gái của em.”
Bài tập 4: Viết một đoạn văn có sử dụng phép điệp ngữ:
“Trời Hà Nội những ngày cuối tháng t4 đã thật sự vào hè, nắng vàng ươm trên từng góc phố. Nắng nhảy nhót trên mái nhà, nắng chơi trốn tìm trên từng kẽ lá. Người đi bộ trên các vỉa hè, người chạy xe dưới lòng đường. Tất cả đều vội vã, hối hả như muốn tránh sự đuổi bắt của nắng…”
Tổng kết
Với những thông tin trong bài viết, bạn đã nắm được khái niệm và biết được điệp ngữ có mấy loại phải không nào? Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi học và làm các bài tập liên quan đến biện pháp tu từ này.