Hào khí Đông A là gì? Ý nghĩa sâu xa của hào khí Đông A trước và nay
Nhắc đến Hào khí Đông A, câu nói với niềm kiêu hãnh dân tộc mà hẳn ai trong chúng ta cũng đều từng nghe đến ít nhất một lần. Vậy bạn đã hiểu hào khí Đông A là gì? Và tại sao câu nói đó lại phát huy mạnh mẽ nhất vào thời nhà Trần? Hãy để chúng tôi giúp bạn giải đáp ý nghĩa câu nói này qua bài viết sau đây.
Contents
Bối cảnh lịch sử của câu nói hào khí Đông A
Trong những tháng năm cuối cùng của thời nhà Lý, vua Lý Huệ Tông không có con trai để lên ngôi nối nghiệp nên đã lập Lý Chiêu Hoàng làm Thái Tử và truyền ngôi báu. Tuy nhiên, Lý Chiêu Hoàng chỉ trị vì được 2 năm đã quyết định nhường ngôi cho Trần Cảnh. Cũng từ đây, cơ nghiệp đế vương nhà Trần bắt đầu.

Trần Cảnh, sau này chính là Trần Thái Tông – Ngài là vị vua đầu tiên nhà Trần – mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nước Đại Việt. Có thể thấy, đây cũng là một trong những triều đại lớn mạnh nhất với sự phát triển rực rỡ trong thời kỳ phong kiến. Và nhà Trần cũng là triều đại giúp sản sinh ra nhiều vị anh hùng lịch sử dân tộc ta.
Trong suốt 175 năm trị vì đất nước, các vị vua nhà Trần liên tục có những chính sách tiến bộ về văn hóa, kinh tế, giáo dục, tôn giáo và quân sự. Đặc biệt, triều đại nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân ta 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Theo ghi chép sổ sách, câu nói “Hào khí Đông A” đã được ra đời từ đây. Phần tiếp theo bài viết chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về hào khí Đông A là gì nhé.
Vậy thế nào là hào khí Đông A?
Hào khí Đông A là một cơn gió mạnh, một sản phẩm của một thời đại vàng son trong lịch sử vang dội khí thế chiến đấu hào hùng. Là kết tinh sức mạnh của toàn dân dùng lên sức mạnh tự tôn dân tộc, tự lập tự cường và ý chí quyết thắng của quân dân ta.
Hào khí Đông A nghĩa là gì? Hiển đơn giản nhất “hào khí Đông A” chính là hào khí của thời nhà Trần. Tuy nhiên, câu nói đó được xuất phát từ 2 lý do với các ý nghĩa như sau:
Trước tiên, theo lối chiết tự chữ Trần được ghép bởi chữ Đông và chữ A. Vậy nên có thể đọc thành Đông A. Tuy nhiên, để hiểu được cụ thể ý nghĩa là gì thì chúng ta cần nói đến lý do thứ hai như sau:
Theo đánh giá từ nhiều nhà nghiên cứu và khách quan trong lịch sử, nhà Trần chính là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam tạo ra được sự đồng tâm nhất trí tối cao từ trên xuống dưới; từ trong quân đến nhân dân, từ trai đến gái và từ già đến trẻ. Lần đầu tiên, tất cả dân tộc đồng lòng nghĩa lớn, tinh thần dân tộc quyết tử chống giặc ngoại xâm. Dù giặt mạnh đến thế nào thì nước Đại Việt ta thời bấy giờ cũng luôn giữ vững tinh thần tự cường, tự lập và lòng yêu nước vô hạn.

Cụ thể, trong tác phẩm Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết rằng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.
Như vậy, đoạn văn đó đã thể hiện rất rõ sự căm tức, phẫn nộ quân giặc và ý chí quyết chiến, quyết thắng mà không có gì có thể thay đổi được. Hay như câu trả lời quả quyết của ông khi được vua Trần Thánh Tông hỏi trong cuộc kháng chiến thứ II: “Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.
Tinh thần đó tượng trưng rõ nhất cho câu nói “hào khí Đông A”. Hào khí lịch sử đã giúp quân dân nhà Trần chiến thắng vẻ vang 3 lần xâm lược dã man tàn bạo của quân Nguyên Mông. Thậm chí, trước khi qua đời Hưng đạo Đại Vương còn để lại quốc giác giữ nước cho vị vua Trần Anh Tông: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”. (Nê) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bên gốc, đó là thượng sách giữ nước. Điều này thể hiện rất rõ tinh thần trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn.
Hào khí Đông A âm vang trong Hội nghị Diên Hồng
Bên cạnh đó, hào khí Đông A còn thể hiện qua rất nhiều người khác. Năm 1284 nước Đại Việt đối mặt với sức ép lớn không tưởng từ 50 vạn quân Nguyên Mông. Chúng luôn có âm mưu thôn tính nước ta thêm một lần trước. Trước nguy cơ tàn bạo này, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập tại điện Diên Hồng cuộc họp các phụ lão trong cả nước để hỏi về việc chủ chiến hay chủ hòa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư quyển V ghi chép kết quả là “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều cứng rắn nói “ĐÁNH”, như bật ra từ một cửa miệng, muôn người cùng hô một tiếng.

Các phụ lão, bô lão chính là những người được kính nể, trọng vọng nhất cả nước. Họ đại diện cho ý kiến quần chúng nhân dân. Ý chí quyết tâm, sự đồng lòng đánh giặc của các bô lão thể hiện muốn cùng quân triều chính đánh giặc giữ nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã từng viết: “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy“.
Chung quy lại, hào khí Đông A không chỉ là lỗi chiết tự, là nét chữ mà còn là một tinh thân dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng trên dưới đều một lòng của quân dân nhà Trần.
Với họ, máu có chảy, đầu có thể rơi nhưng quyết chí không để dù chỉ một tấc đất quê hương lọt tay vào quân giặc phương bắc. Thậm chí, vì nghĩa lớn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn gạt thù nhà sang một bên.
Âm vang hào khí Đông A qua 2 tác phẩm văn học nổi tiếng
Những biển hiện của hào khí Đông A đó là tinh thần tự lập, tự cường và lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng lập công và ý chí quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù giúp giữ nước.
Bên cạnh đó, tinh thần này còn thể hiện rất rõ trong các tác phẩm văn học. Tiêu biểu là hào khí Đông A trong Phú sông Bạch Đằng và hào khí Đông A trong Thuật Hoài của tác giả Phạm Ngũ Lão.
Hào khí Đông A trong Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
Trương Hán Siêu tự Thăng Phủ, quê ở làng Phúc Âm, phủ Yên Khánh, nay thuộc phường Phúc Thành, tỉnh Ninh Bình. Với học vấn uyên sâu, ông làm quan suốt bốn đời nhà Trần. Từ triều đại vua Trần Anh Tông, vua Trần Minh Tông, vua Trần Hiến Tông đến triều đại vua Trần Dụ Tông. Ngoài học vấn uyên thâm, tính tình cương trực nên ông rất được vua Trần tin cậy và sự kính trọng của nhân dân. Sau khi qua đời, ông Trương Hán Siêu được thờ ở Văn Miếu tại Hà Nội.

Vào thời kì nhà Trần có dấu hiệu suy yếu, các vua đời hậu Trần mê mải với chiến thắng của cha ông, chỉ lo hưởng thụ, ăn chơi mà quên lãng trách nhiệm chấn hưng đất nước. Trong một lần du ngoạn Bạch Đằng, đây một nhánh của sông Kinh Thầy đổ ra biển nằm giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Một di tích lịch sử lừng danh, nơi quân ta đã hai lần đập tan quân Mông – Nguyên xâm lược, Trương Hán Siêu vừa nhớ tiếc bậc anh hùng xưa, vừa cảm khái, vừa tự hào viết nên bài Phú sông Bạch Đằng bằng chữ Hán. Đây cũng là một tác phẩm được đánh giá là hay vào bậc nhất trong văn chương trung đại.

Nội dung tác phẩm Phú sông Bạch Đằng thể hiện rõ về lòng yêu nước và niềm tự hào tự tôn dân tộc của tác giả trước những chiến thắng vang dội của quân và dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng. Đồng thời qua đó cũng ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất dân tộc Việt Nam. Thông qua việc đề cao vị trí và của con người trong lịch sử, đề cao chính nghĩa đạo lý. Chưa hết, tác phẩm còn chứa đựng tư tưởng nhân văn thấm nhuần sâu sắc. Bài phú vừa chứa niềm tự hào dân tộc, vừa thấm thía về nỗi niềm hoài cổ, vừa thể hiện rất sâu sắc triết lý về sự xoay vần và biến thiên của Tạo hoá.
Bài phú là loại phú cổ thể mà có đặc điểm giống như một bài ca dài, tản văn và vận văn đan xen nhau. Nhân vật khách độc thoại, đối thoại với các vị bô lão trên sông. Kết thúc bài phú bằng hai đoạn thơ lục bát.
Mở đầu cho bài phú là cảm xúc của nhân vật khách trước khung cảnh sông Bạch Đằng hùng vĩ. Đó là cảm hứng lịch sử của một con người có tâm hồn tự do đầy phóng khoáng. Nhân vật khách chính là tác giả được khách thể hoá trong vai của một người nghệ sĩ thích ngao du, yêu cảnh sắc thiên nhiên. Đồng thời cũng rất say mê tìm hiểu lịch sử hào hùng dân tộc.
Bằng bút pháp khoa trương, cường điệu tác giả Trương Hán Siêu đã nêu bật sở thích ngao du sơn thuỷ, trải nghiệm sâu rộng trình độ hiểu biết của nhân vật trữ tình:
Khách có kẻ:
“ Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Cái tráng chí bốn phương được thể hiện rất rõ qua nghệ thuật liệt kê những địa danh nổi tiếng. Loại địa danh thứ nhất mang tính chất tượng trưng được lấy trong sử sách Trung Hoa. Tác giả chủ yếu đi thăm các danh lam thắng cảnh này thông qua sách vở cùng trí tưởng tượng của mình: Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt…
Loại thứ hai là những địa danh vô cùng quen thuộc của đất nước mà tác giả từng được đặt chân đến như: cửa Đại Than,… bến Đông Triều,… sông Bạch Đằng… Khung cảnh thiên nhiên vùng sông nước Bạch Đằng hùng vĩ, lớn lao hiện lên trước mắt của tác giả mỗi lúc một rõ nét:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu.”
Trở lại chiến trường xưa, nơi từng ghi dấu biết bao chiến công hiển hách vào thời điểm mùa thu, tác giả nhận thấy khung cảnh thiên nhiên tuy không thay đổi nhưng đã đượm vẻ hoang vu, lạnh lẽo bởi vậy mà động lòng hoài cổ:
“ Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!”
Thời gian vô tình, đầy nghiệt ngã đã và đang làm phai mờ dấu tích lịch sử hào hùng khiến lòng người suy tư, trầm lắng. Khách đang đắm chìm tâm trạng hoài niệm thì các bô lão từ xa đi đến làm cho giật mình sực tỉnh để trở về với thực tại. Trận thủy chiến lịch sử sông Bạch Đằng năm xưa được các vị bô lão kể lại cho khách nghe hết sức hào hứng.
Nếu như ở đoạn 1, nhân vật khách chính là tác giả thì sang đoạn 2, các bô lão là hình ảnh tập thể. Họ xuất hiện tạo ra vẻ tự nhiên cho một cuộc trò chuyện. Đây có thể là chính những người dân địa phương mà tác giả đã gặp trên đường đi vãn cảnh. Hoặc cũng có thể là nhân vật mà tác giả hư cấu để khách quan bày tỏ tâm trạng của mình hơn.
Bằng thái độ hiếu khách, nhiệt tình các bô lão kể cho khách nghe về vô vàn chiến công Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã, về trận Ngô chúa phá Hoằng Thao… Đó đều là những chiến thắng hiển hách của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng.
Các trận đánh lần lượt được tái hiện từ thời Ngô Quyền đến các thời vua Trần Hưng Đạo. Điều đó cho thấy rất rõ rằng thời ấy dân tộc ta luôn đương đầu với quân xâm lược phương Bắc dã man tàn bạo. Thậm chí vận nước nhiều lúc rơi vào tình cảnh lâm nguy, trong trạng thái ngàn cân treo sợi tóc.
Các bô lão kể lại diễn biến từng trận đánh. Ngay từ đầu, cả quân ta và quân địch tập trung binh lực vô cùng hùng hậu quyết chiến đấu cho một trận đánh quyết tử. Nghệ thuật đối đã nêu bật không khí bừng bừng của chiến trận:
“Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói,
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến lũy bắc nam chống đối.”
Sự đối đầu đó không chỉ là về lực lượng mà còn đối đầu cả về ý chí. Quân dân ta với sức mạnh chính nghĩa và một lòng yêu; quân địch thế cường bạo mưu ma chước quỷ. Vậy nên, trận đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt: Chính vì vậy mà trận chiến diễn ra ác liệt.
Hào khí Đông A qua bài thơ Tỏ lòng
Tỏ lòng là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của danh tướng đời Trần Phạm Ngũ Lão. Dù xếp vào loại thơ trữ tình nhưng từng câu từng chữ trong tác phẩm toát lên rất rõ cái hào khí Đông A trong thời đại nhà Trần.

Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là một người văn võ song toàn, là vị danh tướng trăm trận trăm thắng sống thời đại nhà Trần. Ông được biết đến rõ hơn sau những chiến công chống lại giặc xâm lược quân Mông – Nguyên. Hiện nay, tác phẩm nổi bật của ông chỉ còn hai bài chữ Hán, trong đó có bài thơ Tỏ lòng.
Tỏ lòng được ông sáng tác trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là tình cảnh an nguy nước nhà bị đe dọa bởi quân Mông – Nguyên tàn bạo. Thời đó, mọi tầng lớp dân tộc Đại Việt đòng bối cảnh an nguy của nước nhà đang bị đe dọa vô cùng dã man bởi quân Mông – Nguyên hung tàn, bối cảnh mọi tầng lớp của dân tộc đồng lòng nhất trí chống lại ách xâm lược, quyết giữ vững non sông gấm vóc cha ông để lại.
Tỏ lòng được chia thành 2 phần rất rõ ràng. Trong đó, hai câu đầu thể hiện về hình tượng của con người và quân đội thời Trần. Tiếp đó, hai câu sau là lời bày tỏ nỗi lòng gửi gắm của tác giả.
Cụ thể mở đầu của bài thơ tác giả viết:
“ Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
Qua hai câu thơ này thể hiện rất rõ hình ảnh đấng nam nhi oai phong lẫm liệt quyết xả thân vì nước. Cũng từ đó, ta có thể cảm nhận rất rõ được một hào khí Đông A của nhà Trần, một thời đại anh hùng vàng son trong lịch sử ta.
Trong đó, câu thơ “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” thể hiện rất rõ về hình ảnh của những người lính cầm ngang ngọn giáo. Họ luôn trong một tư thế hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu, tấn công và áp đạo quân thù xâm lược để bảo vệ giang sơn rộng lớn trong suốt thời gian dài. Dễ thấy rằng, đây cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho dân tộc Việt ta quật cường, mạnh mẽ không bao giờ chịu khuất phục. Là ánh hào quang tỏa sáng cho chủ nghĩa yêu nước, yêu chính nghĩa.
Tiếp đó, sang câu thơ thứ hai “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”. Dịch thơ là Ba quân hùng khí át sao ngưu. Dịch nghĩa là khí thế của ba quân mạnh như cả hổ báo, át cả sao Ngưu trên trời. Và một cách dịch khác là “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”.
Dù cho hiểu theo cách nào thì người đọc cũng cảm nhận rất rõ về một sức mạnh to lớn, không một đối thủ nào có thể địch nổi quân dân ta.
Chỉ với 14 chữ qua 2 câu thơ nhưng tác giả đã vẽ nên một bức tranh đẹp rất rõ về người lính dũng mãnh, oai hùng và quả cảm trong đạo quân Sát Thát da man thời Trần. Đồng thời, nó cũng thể hiện rất rõ về khát vọng, về ý chí sục sôi của đấng nam nhi thời loạn. Tác giả Phạm Ngũ Lão cũng như bao chí sĩ khác thời đó cũng đều nguyện dâng hiến thân mình cho lý tưởng của ái quốc, trung quân với trọng trách quyết bảo vệ non sông, gấm vóc cho dân tộc.
Bởi vậy, các bậc nam nhân như ông mới cảm thấy thẹn hổ khi chưa thể hoàn thành được công danh. Nỗi lòng đó tiếp tục được Phạm Ngũ Lão thể hiện qua 2 câu thơ cuối tác phẩm:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”.
Chúng ta có thể hiểu hai câu thơ này mang hàm ý nam tử khi chưa hoàn thành chuyện công danh. Khi nghe chuyện về Vũ Hầu liền thấy hổ thẹn. Vũ Hầu ở đây là Khổng Minh, một nhà quân sư vô cùng lỗi lạc của Lưu Bị nói riêng và thời Tam Quốc cũng như trong lịch sử của toàn nhân loại.
Điều tác giả muốn bày tỏ ở đây chính là đấng nam nhi phải biết lấy gương sáng của người xưa để mà so sánh; để mà phấn đấu cho xứng tiền nhân. Niềm khát vọng công danh của Phạm Ngũ Lão, thực chất là khát vọng được cống hiến công sức, tài năng, tuổi trẻ cho vua, cho giang sơn xã tắc để tự tin ngẩng cao đầu sống giữa thời đại anh hùng.
Nếu như ở hai câu mở đầu của bài thơ là âm hưởng hào sảng, là chí khí ngút trời, thì đến hai câu sau, tác giả đã chuyển sang hẳn cảm xúc trữ tình. Điều này như lột tả một cách chân thực nhất nỗi lòng mình bằng giọng điệu da diết, thâm trầm nhưng cũng không kém phần hùng hồn đầy mạnh mẽ.
Bài thơ còn là minh chứng rõ ràng nhất cho một vị võ tướng tài ba “bách chiến bách thắng” và sở hữu một trái tim của người thi nhân nhạy cảm. Thuật hoài chính là tác phẩm xuất sắc, thể hiện rất rõ nỗi lòng của tác giả, cũng là nỗi lòng chung của tuổi trẻ hùng tráng và lột tả hào khí Đông A đời Trần.
Hào khí Đông A ngày nay còn không?
Một điều chắc chắn rằng “Hào khí Đông A” đến nay vẫn còn rừng rực cháy trong lòng dân tộc người Việt. Đặc biệt, trong Đại dịch Covid 19 “Hào khí Đông A” như kim chỉ nam chói sáng giúp dân tộc ta không những đứng vững trước trận đại dịch mà còn là minh chứng thể hiện một đất nước nhân ái. Sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè quốc tế.

Cụ thể, khi dịch COVID-19 đã bùng phát ở Vũ Hán, Chính phủ Việt Nam nhận thức được mối nguy hiểm đồng thời luôn nêu cao tinh thần quyết chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị, thành phần xã hội và đông đảo người dân đều chung tay để chống dịch.
Với phương châm chủ động, sáng suốt, đồng bộ, bám sát tình hình diễn biến của đại dịch, Chính phủ và các cấp chính quyền đều xử lý linh hoạt các trường hợp nhiễm bệnh đã xảy ra.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” của đất nước Việt Nam được rất nhiều các hãng thông tấn quốc tế ca ngợi. Ngày 16/04 Đài Phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) dẫn lời ông John MacArthur (Giám đốc Văn phòng TTKS và PCDB Mỹ tại Thái Lan) nhấn mạnh rằng: “Việt Nam đã có cam kết chính trị từ sớm ở cấp cao nhất. Quyết tâm chính trị được triển khai nhất quán từ cấp trung ương xuống địa phương”
“Hào khí Đông A” của người Việt còn lan rộng ra khắp năm châu. Dù còn được coi là nước nghèo trên thế giới nhưng trong lúc khó khăn, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những nước chịu ảnh hưởng của COVID-19 nặng nề hơn. Hành động nghĩa hiệp của Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đã có hàng vạn cán bộ và nhân viên trong ngành y. Họ là những người chiến sĩ áo trắng không quản gian khó ngày đêm, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân xung phong liên các tuyến đầu chống dịch.
Đã có hàng vạn chiến sĩ lực lượng công an, quân đội đã hy sinh thầm lặng canh phòng chắc chắn các cửa khẩu quốc tế, các đường mòn biên giới nơi có người qua lại để kiểm soát, quản lý chặt chẽ các dữ liệu dịch tễ liên quan dịch bệnh.
Đã có hàng ngàn khách sạn, cơ sở quân đội, trường học.. sẵn sàng trở thành những nơi cách ly tập trung công dân Việt Nam trở về. Rồi hàng vạn các nhà giáo, cán bộ, công viên chức… tình nguyện sẵn sàng phục vụ, chăm lo cơm nước cho tại các khu cách ly rộng khắp cả nước…
Đã có hàng trăm tỷ đồng được đóng góp vào quỹ chống dịch Covid-19 qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp lời chung tay diệt giặc COVID-19.
“Hào khí Đông A” tiếp tục được tỏa sáng cho thấy tinh thần dân tộc đoàn kết, tình yêu thương vô bờ bến của những người con Việt Nam dành cho nhau.
Như vậy, qua bài viết hẳn bạn đọc đã hiểu rõ hơn về hào khí Đông A là gì và ý nghĩa vô cùng sâu sắc ẩn chứa qua đó.