Tài nguyên thiên nhiên là gì? Phân loại tài nguyên thiên nhiên
Trong chương trình học phổ thông, cụ thể là ở bộ môn khoa học lớp 5 và sinh học lớp 9, chúng ta đã được tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên và những vấn đề xung quanh. Vậy tài nguyên thiên nhiên là gì? Phân loại và vai trò của tài nguyên thiên nhiên là gì? Bài viết này chúng tôi sẽ cùng các bạn tổng hợp lại kiến thức về tài nguyên thiên nhiên. Mời các bạn cùng theo dõi!
Contents
Tài nguyên thiên nhiên là gì?
Tài nguyên thiên nhiên trong tiếng Anh được gọi là natural resources. Đây chính là nguồn của cải vật chất nguyên khai, được hình thành tồn tại ở trong tự nhiên mà con người có thể khai thác sử dụng nhằm xây dựng, đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của mình.
Tài nguyên thiên nhiên bao gồm các dạng thông tin tự nhiên, năng lượng vật chất, tồn tại khách quan và ngoài ý muốn của con người. Con người có thể dựa vào đó phục vụ cho hiện tại và tương lai, phát triển xã hội.
Thông thường tài nguyên thiên nhiên đều có các thuộc tính chung sau đây:
– Được phân bố không đồng đều giữa những vùng khác nhau trên Trái Đất.
– Trên cùng một lãnh thổ hoàn toàn có thể tồn tại nhiều loại tài nguyên thiên nhiên.
– Đa số các loại tài nguyên thiên nhiên đều mang giá trị kinh tế cao, được hình thành qua một quá trình lâu dài của tự nhiên và lịch sử.
– Tài nguyên thiên nhiên tồn tại khách quan và không theo ý của con người.
– Tài nguyên thiên nhiên hình thành, phát triển tuân theo sự biến động của tự nhiên và thời gian.
Vai trò của tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng đối với con người và sự phát triển kinh tế. Cụ thể vai trò của tài nguyên thiên nhiên có thể kể đến như sau:
– Tài nguyên thiên nhiên là nhân tố không thể thiếu được trong quá trình sản xuất, nhất là trong việc phát triển các ngành công nghiệp như khai thác, chế biến, cung cấp nhiên liệu cho nhiều ngành kinh tế khác nữa.
– Tài nguyên thiên nhiên cũng là cơ sở để tạo tích lũy vốn, phát triển ổn định. Các quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên sẽ không bị lệ thuộc nhiều vào những quốc gia khác, đó là tiền đề để phát triển kinh tế ổn định hơn. Ngoài ra, nhờ vào việc có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, các quốc gia này còn rút ngắn quá trình tích luỹ vốn bằng cách khai thác các sản phẩm thô để xuất khẩu.
– Cung cấp nước và lương thực. Nước và các tài nguyên rừng, đất, động vật sẽ cung cấp thực phẩm và cả nước uống duy trì sự sống và phát triển.
– Cung cấp các nhiên liệu sản xuất và năng lượng. Tài nguyên thiên nhiên cung cấp nguyên liệu để sản xuất, chẳng hạn như gỗ, dầu mỏ, quặng, khí đốt. Chúng có thể cung cấp năng lượng cho các hoạt động của con người và các ngành công nghiệp.
– Tạo môi trường tự nhiên. Tài nguyên thiên nhiên có khả năng giúp cung cấp, bảo vệ và phục hồi môi trường tự nhiên, bao gồm đất, rừng, động vật và nước.
– Bảo vệ khí hậu. Rừng và hệ sinh thái tự nhiên có khả năng hấp thụ và lưu giữ được lượng lớn khí Co2, từ đó giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu.
– Phát triển kinh tế, giảm nghèo. Tài nguyên thiên nhiên cũng cung cấp cho con người nhiều nguồn thu nhập, qua các hoạt động chẳng hạn như nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt hải sản, từ đó giảm nghèo và cải thiện đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là những người ở nông thôn.
Phân loại tài nguyên thiên nhiên
Thông thường các nguồn tài nguyên thiên nhiên được phân loại thành 6 loại chính có thể kể đến như sau:
Tài nguyên đất
Tài nguyên đất được chia ra thành đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.
– Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất: đất trồng cây hàng năm gồm trồng lúa, đồng cỏ chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng phòng hộ; đất trồng thuỷ sản; đất rừng sản xuất; đất làm muối; đất nông nghiệp khác theo như quy định Chính phủ.
– Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sử dụng vào các mục đích an ninh, quốc phòng; đất xây trụ sở cơ quan, xây các công trình; đất để xây dựng các khu công nghiệp, làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; sử dụng cho hoạt động khoáng sản, đất sản xuất vật liệu xây dựng; đất dùng vào mục đích công cộng như giao thông, thuỷ lợi, công trình văn hoá, y tế,…; đất sử dụng cho các cơ sở tôn giáo; đất làm nghĩa trang; đất làm đình đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất sông ngòi kênh rạch và đất phi nông nghiệp khác theo như quy định Chính phủ.
Tài nguyên rừng
Tài nguyên rừng bao gồm động vật, lâm sản, động vật, địa điểm du lịch,…
Đây là một phần của tài nguyên thiên nhiên và thuộc vào loại tài nguyên có thể tái tạo được. Thế nhưng nếu không biết sử dụng hợp lí, tài nguyên rừng có thể bị suy thoái và không thể tái tạo lại được.
Tài nguyên rừng đóng vai trò quan trọng đối với bầu khí quyển, mùa màng, đất đai, cung cấp nguồn gen động vật và thực vật quý hiếm cùng rất nhiều những lợi ích khác nữa. Rừng có khả năng điều hoà nhiệt độ, nguồn nước và cả không khí. Ở những vùng khí hậu khác nhau tài nguyên rừng cũng sẽ có sự khác nhau.
Tỷ lệ đất rừng che phủ tại mỗi quốc gia thường là chỉ tiêu để đánh giá được chất lượng môi trường. Diện tích đất rừng của một quốc gia thông thường phải đạt 45% tổng diện tích quốc gia đó.
Hiện nay có hơn một nửa tài nguyên rừng trên thế giới đang bị phá huỷ nặng nề và đến 30% đang suy thoái dần. Trong khi đó trên một tỷ người nghèo đang phải sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng. Có thể nói nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do ý thức bảo vệ tài nguyên của mọi người còn kém.
Tài nguyên nước
Tài nguyên nước ngọt bao gồm nước ngọt, nước để sản xuất, nước cho thuỷ sản nước ngọt, các loài thuỷ sinh và năng lượng điện,…
Nước là một hợp chất hoá học của oxy và hydro. Nó là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái, được coi là một tài nguyên thiên nhiên quyết định chất lượng môi trường sống. Nước cũng là một tài nguyên có thể tái tạo lại được. Cơ thể con người 70% là nước và đây cũng là nhu cầu cơ bản của mọi sự sống, hoạt động trên Trái Đất.
Tài nguyên nước của một lãnh thổ được quy định bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc vào lãnh thổ quốc gia đó.
Tuỳ từng đặc điểm, tính chất của các nguồn nước và yêu cầu quản lý mà nước có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau. Pháp luật Việt Nam đã phân chia nguồn nước nói chung và cả các lưu vực sông thành từng loại sau:
– Nước mặt nước tồn tại ở trên mặt đất liền hay hải đảo.
– Nước dưới đất tồn tại ở trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.
– Nước sinh hoạt là nguồn nước sạch, có thể sử dụng cho ăn uống và vệ sinh của con người.
– Nguồn nước liên tỉnh được phân bố trên địa bàn của 2 tỉnh, thành phố trở lên,
– Nguồn nước nội tỉnh được phân bố tại địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Nguồn nước liên quốc gia là nguồn được chảy từ lãnh thổ Việt Nam sang nước khác hoặc từ lãnh thổ của nước khác vào Việt Nam hoặc nằm tại biên giới giữa Việt Nam và quốc gia láng giềng.
Tài nguyên gió
Tài nguyên này gồm sức gió, vận tải,…
Gió là nguồn tài nguyên thiên nhiên có độ thay đổi rất lớn. Nếu như xét về không gian, cây cối gây ra các hiệu ứng che chắn cục bộ, những ngọn đồi thoải có thể có gió thổi nhẹ quanh chúng và các khối đất liền lục địa khiến những cơn gió thổi từ đại dương bị chậm hơn. Chính vì thế việc đánh giá tài nguyên gió không hề dễ.
Tài nguyên biển
Tài nguyên biển bao gồm như muối, hải sản, thực vật thuỷ sinh và các địa điểm du lịch,…
Tài nguyên khoáng sản
Bao gồm các loại như quặng, đá vôi, than đá, dầu khí,…
Ngoài ra, nếu dựa theo khả năng tài tạo thì chúng ta có thể phân loại tài nguyên thiên nhiên thành 3 loại chính đó là:
Tài nguyên tái tạo được
Là những loại tài nguyên tự nó có thể duy trì, bổ sung thêm được chẳng hạn như nước ngọt, động thực vật, đất đai,… Tuy nhiên nếu như với tình trạng khai thác sử dụng quá mức như hiện nay thì cũng có nhiều loại tài nguyên tái tạo đã dần mất khả năng phục hồi.
Tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo
Là những nguồn tài nguyên có sự biến đổi qua khoảng thời gian vô cùng dài hàng triệu năm dưới tác động của thiên nhiên. Một khi các loại tài nguyên này sử dụng hết sẽ không còn khả năng tái tạo. Một số tài nguyên không thể tái tạo có thể kể đến như khoáng sản, quang đồng, chì, đá vôi, than đá,…
Tài nguyên có năng lượng vĩnh cửu
Là những nguồn tài nguyên đến từ tự nhiên và không bị cạn kiệt chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, sóng biển, thuỷ triều, gió,…
Thực trạng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay
Cũng giống như nhiều quốc gia khác ở trên thế giới, hiện nay Việt Nam đang sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, khiến môi trường bị tàn phá nặng nề và tài nguyên thiên nhiên bị thu hẹp, cạn kiệt dần. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do ý thức con người.
Có nhiều số liệu thống kê đã cho thấy diện tích rừng đang dần bị thu hẹp do nhiều hoạt động khai thác trái phép, từ đó khiến động vật mất đi môi trường sống, đẩy chúng tới nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.
Nguồn nước sạch cũng trở nên khan hiếm hơn khi nước bị ô nhiễm quá nhiều. Khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông ngòi, ao hồ, đất đai khiến tình trạng hoang mạc hóa diễn ra ở nhiều nơi.
Như vậy, thông qua bài viết trên, có thể thấy tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng với cuộc sống. Thế nhưng nó đang bị đe doạ từng ngày. Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mỗi chúng ta đều cần có ý thức trong việc sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên đúng cách. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!