Từ đồng âm là gì? Từ đồng nghĩa là gì? Cách phân biệt
Từ đồng âm và đồng nghĩa chúng ta thường gặp từ trong các tác phẩm văn học cũng như được dùng nhiều trong đời sống hiện nay. Đặc biệt trong chương trình Tiếng Việt (bậc Tiểu học) và Ngữ văn (bậc Trung học) thì vẫn còn không ít em học sinh gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa từ đồng nghĩa – đồng âm. Để hiểu bài giảng tốt hơn, hãy cùng theo dõi hướng dẫn soạn bài từ đồng âm dưới đây của chúng tôi nhé.
Contents
Tổng hợp kiến thức về từ đồng âm
Khái niệm từ đồng âm là gì?
Đây là những từ giống nhau về cả hình thức và cách phát âm (giống nhau cả về cách viết, cách đọc). Tuy nhiên, mặc dù có “ngoại hình” và “tên gọi” giống nhau nhưng nghĩa của các từ đồng âm là hoàn toàn khác nhau, thậm chí là không hề liên quan gì (đồng âm khác nghĩa, đồng âm dị nghĩa).
Tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách sử dụng trong câu mà người ta phân loại từ ngữ đồng âm thành các loại chính là:
Đồng âm từ vựng
Đây là những từ giống nhau cách đọc và cùng thuộc một loại từ vựng (động từ, danh từ, tính từ, phó từ…) nhưng có ý nghĩa khác nhau.
Ví dụ: Từ “đường trong 2 câu:
- Đường đến trường em đi qua con sông bốn mùa xanh mát → từ “đường” là danh từ, ý nghĩa nói về con đường để đi lại.
- Nếu không uống đắng, bạn có thể cho thêm đường hoặc sữa vào cafe → từ “đường” cũng là danh từ, ý nghĩa nói về một loại gia vị có vị ngọt đặc trưng.
Đồng âm từ vựng – ngữ pháp
Các loại từ này cùng cách đọc và khác nhau về mặt từ loại. Xét ví dụ về từ “câu” dưới đây:
- Ông Tú ra bờ sông ngồi cả buổi mà không câu được con cá nào → từ “câu” là động từ chỉ hoạt động của ông Tú.
- Hoàng ngủ gật trong giờ nên đã làm sai phần bài tập đặt câu với từ đồng nghĩa → từ “câu” là danh từ là một dạng nhỏ nhất của đơn vị lời nói khi diễn tả một ý trọn vẹn.
Ngoài ra còn một số trường hợp đồng âm từ – tiếng (các từ ngữ đồng âm nhưng thuộc từ loại khác nhau, có thể là danh từ – tính từ, động từ – tính từ,…). Các từ đồng âm còn được sử dụng rộng rãi trong các câu văn, câu thơ hoặc đời sống hàng ngày để chơi chữ, tạo ấn tượng cho lời nói.
Ví dụ: Trong bài ca dao dưới đây có các từ “lợi” là đồng âm:
“Bà già đi chợ cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi1 chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi2 nhưng răng chẳng còn”
→ Từ “lợi” thứ nhất, nhân vật “bà già” muốn đề cập tới lợi ích, còn từ lợi thứ 2 mà ông “thầy” muốn nhắc tới là một bộ phận bao quanh chân răng.
Bài tập vận dụng về từ đồng âm
Một số bài tập ví dụ về từ ngữ đồng âm thường gặp như:
- Từ đồng âm sâu: “Cái giếng rất sâu1” với “Con sâu2 đang trốn qua kẽ lá” – “sâu” thứ nhất là tính từ thể hiện khoảng cách từ mặt đất tới đáy giếng, còn “sâu” thứ 2 là danh từ, chỉ một sinh vật không có xương sống.
- Từ đồng âm với từ cổ: “Chiếc bình cổ1 này có tuổi thọ hàng triệu năm” và “Hương ngủ sai tư thế nên sáng dậy bị đau khắp cổ2”. Trong đó, từ “cổ” thứ nhất là tính từ, nói về tuổi đời của chiếc bình, từ “cổ” thứ 2 là danh từ, chỉ một bộ phận nối giữa cổ và vai trên cơ thể người.
- Từ đồng âm với từ xuân: “Mùa xuân1 là tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân2” (Hồ Chí Minh). Trong đó, từ “xuân” đầu tiên là danh từ chỉ một trong 4 mùa của năm (xuân – hạ – thu – đông). Còn từ “xuân” thứ 2 có nghĩa là trẻ (là tính từ).
- Từ đồng âm với từ bàn: “Tài liệu đặt trên mặt bàn1 giúp quá trình bàn2 bạc công việc thuận lợi hơn”. Trong câu này, từ “bàn” đầu tiên là danh từ chỉ sự vật (cái bàn) còn “bàn” thứ 2 là động từ, chỉ hoạt động của con người trong cuộc họp.
Lưu ý với cách sử dụng những từ đồng âm khác nghĩa trong tiếng Việt
Để làm tốt các bài tập về từ ngữ đồng âm, bạn cần chú ý một số lưu ý dưới đây:
- Muốn xác định đúng ý nghĩa của từ, chúng ta cần thông qua ngữ cảnh được nhắc đến. Ví dụ câu: Thành đem cá về kho – người đọc, người nghe có thể hiểu theo 2 nghĩa, một là đem cá về để chế biến hoặc mang cá về cất trữ trong kho.
- Chơi chữ đồng âm thường được dùng phổ biến trong các ca dao, tục ngữ, văn thơ,… với ý nghĩa nước đôi (1 từ nhưng có thể hiểu theo nhiều nghĩa) Tuy nhiên, cũng có trường hợp người ta cũng dùng cách chơi chữ đồng âm trong giao tiếp. Nhìn chung, chơi chữ đồng âm tương đối khó phân biệt nên người đọc cũng cần phải phân tích kỹ nội dung của toàn bộ câu để xác định đúng.
Từ đồng nghĩa và trái nghĩa
Từ đồng nghĩa
Khái niệm
Từ đồng nghĩa là những từ có ý nghĩa gần giống hoặc tương tự như nhau, có thể dùng thay thế nhau mà người đọc, người nghe vẫn có thể hiểu được nội dung muốn truyền đạt. Từ đồng nghĩa được được chia thành:
- Đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong khi nói, viết mà không ảnh hưởng đến truyền đạt nội dung, cảm xúc.
Ví dụ như: “trái” – “quả” chúng ta có thể dùng “quả lê” hoặc “trái lê” trong câu mà không cần quá lo lắng về mặt biểu cảm.
- Đồng nghĩa không hoàn toàn (có sự khác nhau về sắc thái biểu cảm): những từ có ý nghĩa tương đương nhau nhưng khác về sắc thái biểu cảm, thể hiện cảm xúc, thái độ hoặc cách thức hành động khác nhau. Do đó, khi sử dụng những từ đồng nghĩa không hoàn toàn, chúng ta cần cân nhắc lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh.
Ví dụ: “chết” – “hi sinh” – “nằm xuống” cùng nghĩa với nhau, nhưng để thêm phần trang nghiêm, người ta sẽ dùng “Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và hi sinh/nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc” chứ không dùng “Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và chết để bảo vệ Tổ quốc.
Bài tập vận dụng phần từ đồng nghĩa
Tìm các từ đồng nghĩa với: Tổ quốc, đoàn kết, bảo vệ, bàn bạc
Trả lời:
- Đồng nghĩa với Tổ quốc: quốc gia, đất nước, giang sơn, dân tộc, lãnh thổ…
- Đồng nghĩa với đoàn kết: đồng lòng, hiệp đồng, chung sức,…
- Đồng nghĩa với bảo vệ: che chở, yểm trợ,…
- Đồng nghĩa với bàn bạc: thảo luận, luận bàn,…
Từ trái nghĩa
Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa trái ngược nhau, có thể cùng một từ loại hoặc cùng tính chất, hành động nhưng hoàn toàn ngược nghĩa với nhau. Đôi khi, từ trái nghĩa cũng có thể là những từ không có mối quan hệ được dùng để nhấn mạnh hoặc gây sự chú ý.
Một số cặp từ trái nghĩa thường gặp như: yêu – ghét, đẹp – xấu, trắng – đen, chăm – lười, cười – khóc, gầy – béo…
Cách phân biệt từ đồng âm và từ đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa
Phân biệt đồng âm – đồng nghĩa
Như đã phân tích khái niệm và các ví dụ bên trên, chúng ta có thể thấy được cơ bản sự khác nhau giữa từ đồng nghĩa và đồng âm. Và để các bạn học sinh dễ dàng hơn khi làm bài tập phân biệt, chúng tôi đã thống kê trong bảng sau:
Từ đồng âm | Từ đồng nghĩa | |
Về ngữ âm | Giống nhau về hình thức, cách phát âm | Khác nhau về hình thức và cách đọc |
Về ý nghĩa | Có ý nghĩa khác nhau, tùy vào từng ngữ cảnh để hiểu ý nghĩa linh hoạt của từ. | Có ý nghĩa gần giống nhau, có thể thay thế cho nhau hoặc tùy theo biểu cảm của câu nói để thay thế. |
Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa
Đây là một trong những trường hợp dễ gây nhầm lẫn của các bạn học sinh mà muốn phân biệt được chúng, ta cần phải dựa vào những trường hợp cụ thể. Trong đó, từ nhiều nghĩa (từ đa nghĩa) là những từ có 1 nghĩa gốc và một hoặc một vài nghĩa chuyển (các nghĩa chuyển có mối liên hệ nào đó với nhau).
Ví dụ về từ nhiều nghĩa khá đa dạng:
- “ăn” nghĩa gốc dùng trong “ăn cơm” là hoạt động cho thức ăn vào cơ thể bằng đường miệng.
- Nghĩa chuyển được dùng trong “ăn ảnh” – người chụp ảnh lên rất đẹp, có duyên, “ăn ra biển” – sự lan rộng ra biển…
Web tìm từ đồng âm tiếng Việt nhanh chóng, chính xác
Nếu muốn tra một từ để biết từ đó có phải đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa,… thì bạn cũng có thể áp dụng cách tra cứu từ điển từ đồng âm tiếng Việt dưới đây:
- Bước 1: Sao chép và dán link https://vietnamese.abcthesaurus.com vào thanh tìm kiếm.
- Bước 2: Nhập từ muốn tra cứu vào ô và ấn tra cứu, kết quả sẽ trả về trên màn hình.
Tuy nhiên, kết quả trả về chỉ mang tính tương đối vì trang Web này có cơ sở dữ liệu là khoảng 15.400 từ tham khảo, 7.000 thành ngữ. Đây là con số vô cùng nhỏ so với lượng từ vựng phong phú của tiếng Việt. Do vậy nên những từ phổ thông và thường sử dụng sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Hướng dẫn soạn bài từ đồng âm lớp 7
Dưới đây là hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong nội dung bài học từ đồng âm nghĩa là gì, sách Ngữ văn lớp 7. Quý phụ huynh và các em học sinh có thể tham khảo để chuẩn bị bài được tốt hơn:
Phần I. Thế nào là từ đồng âm?
Như đã giải nghĩa phần đầu bài viết, đồng âm là tên gọi cho những từ có âm, cách đọc giống nhau nhưng ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.
- Giải thích ý nghĩa của từ “lồng” trong ví dụ:
- Từ “lồng” đầu tiên có nghĩa là một hoạt động của trâu, bò, ngựa… “Lồng” là hành động nhảy dựng lên, chuẩn bị chạy hoặc thể hiện sự phản kháng.
- Từ “lồng” thứ 2 chỉ các sự vật bằng tre hoặc nứa,… được dùng để nhốt gia cầm (gà, vịt…).
- Ý nghĩa của 2 từ “lồng” trong ví dụ hoàn toàn không liên quan đến nhau nên đây chính là hiện tượng từ ngữ có cách đọc giống nhau nhưng khác nhau về nghĩa.
Phần II. Sử dụng từ đồng âm
- Để xác định được từ “lồng” mang ý nghĩa nào thì chúng ta cần xem xét trường hợp mà từ này xuất hiện. Căn cứ vào ngữ cảnh nhất định thì chúng ta mới có thể hiểu được những ý nghĩa mà từ đồng âm hướng tới.
- Xét ví dụ “đem cá về kho” khi đứng một mình mà không bao gồm các ngữ cảnh, hoàn cảnh, ta có thể hiểu thành:
- “Kho” là động từ, chỉ hoạt động đun nấu thức ăn.
- “Kho” là danh từ, chỉ địa điểm, nơi chốn thường dùng để lưu trữ, bảo quản thực phẩm hoặc các vật dụng…
⇒ Trong trường hợp này, để tránh gây hiểu nhầm, không rõ ràng, bạn cần thêm các từ ngữ khác. Ví dụ: “đem cá về kho tộ/kho quẹt” hoặc “đem cá về kho đông lạnh bảo quản”…
- Để tránh hiểu nhầm, hiểu sai ý khi dùng các từ đồng âm, chúng ta cần chú ý đến ngữ cảnh của câu hoặc tình huống nói đến.
Phần III. Bài tập từ đồng âm lớp 7 trang 135
Bài tập 1:
Ta có các từ cùng âm và ý nghĩa của chúng là:
Từ ngữ đồng âm | Ý nghĩa của từ |
Thu | – “Thu” là danh từ chỉ sự vật, là một mùa trong năm (mùa thu) – “Thu” là động từ, chỉ hành động thu, giữ của người đối với một vật nào đó (thu tiền). |
Cao | – “Cao” là tính từ, chỉ chiều dài (trái nghĩa với “thấp”) – “Cao” là danh từ, chỉ một trong những vị thuốc Nam (cao hổ cốt) |
Ba | – “Ba” là số từ chỉ số lượng hoặc số thứ tự, số đếm – “Ba” là danh từ chỉ người, đồng nghĩa với “bố”, “tía”, “thầy”… |
Tranh | – “Tranh” là danh từ chỉ phần mái nhà, mái che được lợp bằng cỏ tranh. – “Tranh” là động từ chỉ các hành động gây hấn, tranh chấp (thường dùng trong chiến tranh, tranh cãi). |
Sang | – “Sang” là động từ, chỉ hành động chuyển đổi sang cho người khác, đối tượng khác. – “Sang” là tính từ, chỉ sự sang trọng, quý phái, giàu có ở một người/vật nào đó. |
Nam | – “Nam” là danh từ chỉ phương hướng (đông – tây – nam – bắc) – “Nam” là từ chỉ giới tính của con người (trong nam/nữ) |
Sức | – “Sức” là danh từ trong sức khỏe chỉ khả năng mang lại kết quả của gân cốt với các hoạt động – “Sức” là danh từ chỉ một loại văn bản hành chính của quan xuống cho đô đốc (thời xưa gọi là tờ sức) |
Nhè | – “Nhè” là động từ hướng hành động vào người hoặc đối tượng khác – “Nhè” là động từ khi dùng lưỡi đùn đẩy các vật, đồ ăn trong miệng ra ngoài |
Tuốt | – “Tuốt” là tính chất xa hoặc thẳng tít tắp – “Tuốt” là động từ chỉ các hành động tác động vào thân và bông lúa để tách hạt lúa khỏi thân |
Môi | – “Môi” là danh từ nói về một bộ phần trên khuôn mặt – “Môi” trong môi giới có nghĩa là trung gian để 2 bên tiếp xúc và giao thiệp với nhau. |
Bài tập 2: (sách Ngữ văn 7, trang 136)
Giải thích ý nghĩa của từ “cổ” thường gặp là:
- Là danh từ, “cổ” chỉ bộ phận nối đầu với vai và thân dưới của cơ thể
- Là danh từ, “cổ” chỉ các bộ phận của áo (có ve áo)
- Là danh từ, “cổ” chỉ phần cơ thể nối bàn tay và cánh tay, bàn chân và ống chân.
- Là danh từ, “cổ” là bộ phận ở gần miệng của chai lọ
Từ cổ được coi là một từ nhiều nghĩa với nghĩa gốc (bộ phận nối đầu với vai) và được chuyển sang nhiều nghĩa khác nhau.
Một số từ đồng âm với “cổ” thường được sử dụng là:
- “Cổ” theo nghĩa xưa cũ (đồ cổ, nhạc cổ điển, nhà cổ,…)
- “Cổ” là một căn bệnh rất khó chữa thuộc “từ chứng nan y” là phong, lao, cổ, lai.
Bài tập 3:
Đặt câu có các từ đồng âm:
- Bàn: Mọi người đang bàn bạc về kế hoạch thi đua trong quý tới tại bàn cuối.
- Sâu: Một con sâu đang cố gắng chui sâu vào hốc cây để tránh kẻ thù.
- Năm: Đầu năm học, lớp 7A có năm bạn chuyển từ thành phố về.
Bài tập 4:
Anh chàng láu cá và gian dối trong câu chuyện đã sử dụng hiện tượng đồng âm của từ ngữ để không phải trả chiếc vạc lại cho hàng xóm. Giải nghĩa:
- “Vạc” nghĩa thứ nhất là từ chỉ một loại chim cùng họ với cò, diệc
- “Vạc” nghĩa thứ 2 cũng là danh từ chỉ chiếc vạc – loại dụng cụ phổ biến thời xưa có lòng sâu để nấu cơm hoặc thức ăn.
- “Đồng” nghĩa thứ nhất nghĩa thứ nhất chỉ cánh đồng
- “Đồng” nghĩa thứ 2 chỉ chất liệu (vàng, bạc, sắt,…)
Do đó, để phân biệt nghĩa cụ thể, cần hỏi:
- “Anh cần mượn vạc để làm gì?” (vì vạc là vật dụng)
- “Anh mượn vạc làm bằng gì?” (vì cái vạc được làm bằng chất liệu đồng)
Lời kết
Vừa rồi là những thông tin, cách phân biệt cũng như hướng dẫn soạn văn bài từ đồng âm mà chúng tôi tổng hợp được. Hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các bạn học tập tốt hơn môn học này.