Phương pháp xử lý nước tháp giải nhiệt hiệu quả nhất
Chất lượng nước sử dụng trong tháp giải nhiệt có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất hoạt động của toàn hệ thống. Do đó việc xử lý nước tháp giải nhiệt được các kỹ thuật viên đặc biệt chú trọng. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin bổ ích thuộc lĩnh vực này nhé!

Contents
Tiêu chuẩn chất lượng nước của tháp giải nhiệt
Để đảm bảo tháp giải nhiệt vận hành hiệu quả, ổn định, hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra, người dùng cần đảm bảo được những tiêu chuẩn về nước như sau:
- Lưu lượng nước trong tháp luôn đủ để phục vụ cho quá trình vận hành liên tục của thiết bị. Bởi nước sẽ bay hơi một phần trong quá trình làm mát, nên cần thường xuyên tiến hành bổ sung lượng nước tương ứng.
- Nước trong tháp phải đảm bảo độ tinh khiết nhất định, không rong rêu hay có cặn bẩn.
- Nước tuần hoàn có độ dẫn điện cũng như độ cứng thấp. Lượng Mg và Ca hòa tan trong nước sẽ xác định độ cứng của nước. Độ cứng, đặc biệt và độ cứng tạm thời là yếu tố chịu trách nhiệm cho sự lắng đọng của cáu cặn canxi cacbonat trong đường ống và thiết bị.
- Độ pH cân bằng. Kiểm soát độ pH là khâu quan trọng đối với hầu hết các chương trình xử lý nước làm mát.
- Chỉ số bão hòa: chỉ số bão hòa của nước là thước đo sự ổn định của nước liên quan đến sự hình thành cáu cặn. Khi chỉ số bão hòa dương, nước có xu hướng hình thành cáu cặn, còn khi chỉ số này âm thì nước có xu hướng ăn mòn. Chỉ số này nằm trong khoảng 1-10 sẽ được coi là ổn định.
- Nhiệt độ nước: bình ngưng có nhiệt độ khá cao, rơi vào khoảng 40-42 độ C, do đó các ion Ca++ và Mg++ dễ tạo thành kết tủa cacbonat cứng trên bề mặt trao đổi nhiệt. Điều này làm giảm hệ số truyền nhiệt, đồng thời tăng lực trở lên đường ống dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc của máy. ở tháp giải nhiệt, nước ấm cũng tạo môi trường thuận lợi để rong rêu phát triển, cùng với các vi khuẩn độc hại làm nhiễm bẩn và làm giảm công suất của hệ thống giải nhiệt.

Tại sao cần xử lý nước tháp giải nhiệt
Cáu bẩn và tình trạng nước ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm mát cũng như tuổi thọ của tháp tản nhiệt. Do đó, việc xử lý và tối ưu thông số nguồn nước đóng vai trò vô cùng đặc biệt. Một số công việc cần làm để xử lý chất lượng dòng nước như sau:
- Loại bỏ rác thô và thảm thực vật có trong tháp để tránh gây tắc nghẽn hệ thống tháp.
- Loại bỏ các hợp chất kết tủa trong nước để ngăn chặn sự hình thành và tích lũy cặn bẩn, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả truyền nhiệt và gây ăn mòn, thậm chí tắc nghẽn hệ thống.
- Ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật hình thành trên bề mặt trao đổi nhiệt.
Bài viết liên quan khác:
Tháp giải nhiệt được dùng để làm gì? Phân loại tháp giải nhiệt
Các phương pháp xử lý nước tháp giải nhiệt
Theo đó, sẽ có nhiều cách để xử lý triệt để những tác nhân gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Một số phương pháp xử lý phổ biến hiện nay phải kể đến:
- Tiến hành xử lý nguồn nước đầu vào bằng cách khử kiềm, làm mềm, trao đổi ion nhằm loại bỏ tối đa các chất khoáng có thể gây cáu bẩn trong hệ thống tháp giải nhiệt.
- Giảm độ pH của nước bằng cách sử dụng các axit trung hòa.
- Sử dụng thêm các hợp chất có khả năng ức chế cáu bẩn, đồng thời điều hòa tuần hoàn hệ thống cấp nước.
- Xả đáy định kỳ để kiểm soát quá trình cô đặc. Mục đích của việc xả đáy chính là ngăn chặn sự kết tụ cáu cặn ở thành và đáy bình chứa. Việc xả đáy nên được thực hiện thường xuyên hoặc tùy theo tình trạng cáu cặn của hệ thống. Đặc biệt, xả đáy còn giới hạn nồng độ chất gây cáu cặn lên thành ống.
- Bên cạnh đó cũng xử lý nước bằng các phương pháp vật lý như lọc, cạo gỉ,…

Lựa chọn hóa chất hỗ trợ quá trình xử lý nước
Nội dung dưới đây sẽ đi sâu vào phương pháp xử lý chất lượng nước cho tháp giải nhiệt bằng cách sử dụng hóa chất để làm sạch các mảng bám, vi sinh vật và rong rêu có trong hệ thống tháp. Với sự hỗ trợ của hóa chất chuyên dụng, nước trong tháp sẽ được xử lý một cách tối ưu. Tuy nhiên để hạn chế các rủi ro cũng như mang lại hiệu quả cao nhất, người dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
Chất lượng hóa chất
Hóa chất đưa vào xử lý cần đảm bảo đạt được chất lượng tốt nhất, tức là đem lại hiệu quả làm sạch rong rêu, cáu bẩn. Thêm vào đó, dung dịch cần không được gây ra những phản ứng ăn mòn trong hệ thống thiết bị, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Cần tìm các sản phẩm được kiểm định rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ để tránh gây nhiễm độc cho toàn hệ thống.
Hàm lượng sử dụng
Tùy thuộc vào độ cứng của nước, các kỹ thuật viên nên cân nhắc sử dụng một lượng chất ức chế vừa đủ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo chất lượng làm sạch. Ví dụ, nếu hàm lượng canxi trong nước rơi vào khoảng 100mg CaCo3/l thì chúng ta sẽ sử dụng 10-15mg T-Po4/l.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động, cụ thể là mặc đồ bảo hộ đầy đủ, đặt biển báo xung quanh khu vực làm việc. Việc sử dụng hóa chất cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, bên cạnh đó cần giám sát chặt chẽ và kiểm tra tính hiệu quả của hóa chất trong quá trình sử dụng.
Thông thường, chúng ta cần xử lý nước định kỳ 6 tháng 1 lần để đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, đồng thời duy trì tuổi thọ lâu dài.

Trên thực tế, việc đảm bảo hệ thống nước sử dụng cho tháp giải nhiệt có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc của toàn hệ thống. Có nhiều phương pháp để thực hiện xử lý nước tháp giải nhiệt, mong rằng những chia sẻ trên đây giúp bạn chọn ra phương pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công việc của mình.